Với việc Nóng lên toàn cầu ngày càng nguy hiểm, ngoài việc chính phủ các nước nổ lực giảm ô nhiễm & tăng diện tích phủ xanh thì các ngành trong các lĩnh vực khác cũng tham gia vào bằng lĩnh vực chuyên ngành của mình. Vì thế ngành kiến trúc đã áp dụng những kiến trúc và cây xanh vào công trình gần đây.

Kiến trúc xanh ( còn gọi là công trình xanh ) hiện đang là một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xây dựng trên phạm vi toàn cầu khi mà các công trình xây dựng ngày càng thể hiện trách nhiệm cao hơn với tài nguyên thiên nhiên, với môi trường, hệ sinh thái và với chất lượng cuộc sống con người thông qua các nỗ lực toàn diện trên các khía cạnh: Thiết kế, thi công, sản xuất thiết bị, công nghệ, vật liệu, chính sách và tài chính.

 

Build Shop | Phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam

Dự án Trường Mầm non TD do Capital House đầu tư, đang được tư vấn bởi VILANDCO (Nguồn: Ashui.com)

Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển Kiến trúc xanh, công trình năng lượng Liên hiệp quốc và củng cố vai trò của Bộ Xây dựng trong công tác này. Như vậy, Kiến trúc xanh đang có rất nhiều triển vọng và sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược “xanh hoá” ngành Xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.

Kiến trúc xanh là gì ?

Thuật ngữ “Kiến trúc xanh” bắt đầu xuất hiện trên thế giới vào những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc này, thế giới đã trải qua một quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa mạnh mẽ suốt gần 2 thế kỷ và nhận ra rằng, cái giá của công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế là thâm dụng tài nguyên, suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và biến đổi khí hậu.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã cho thấy những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu khi quá phụ thuộc vào loại năng lượng không có khả năng tái tạo này. Như vậy, từ đầu những năm 1970, câu chuyện về cách thức tiếp cận mới trong xây dựng và sản xuất có trách nhiệm với môi trường và hệ sinh thái đã được đặt ra.

Cột mốc đầu tiên đánh dấu nỗ lực của thế giới đối với vấn đề môi trường là Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và con người được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển ngày 5/6/1972 - đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về môi trường. Đến năm 1992, 172 Chính phủ đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio de Janeiro, với thành tựu quan trọng là sự đồng thuận về Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, đặt ra chương trình hành động cho thế kỷ 21 về vấn đề con người và môi trường.

Kể từ đó, các hoạt động và nghiên cứu quan trọng đã được thúc đẩy để cải thiện hiệu quả năng lượng và giảm ô nhiễm môi trường. Ngành Xây dựng được xem là lĩnh vực có mức độ phát thải khí nhà kính cao nhất và cũng tiêu thụ tài nguyên vào loại nhiều nhất. 

Build Shop | Phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam

 Dự án Diamond Lotus Riverside được Phúc Khang Corporation xây dựng theo tiêu chuẩn LEED của Mỹ.

Để giải quyết các vấn đề khác nhau mà ngành công nghiệp xây dựng đang phải đối mặt, khái niệm “Kiến trúc xanh” (Green Building) đã nghiên cứu và mở rộng. Một cách đơn giản, Kiến trúc xanh được hiểu là sản phẩm của quá trình xây dựng đã cân nhắc tác động tới môi trường và tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của công trình trong suốt vòng đời của chúng (từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và phá dỡ).

Như vậy, Kiến trúc xanh trước hết là một “công trình tiết kiệm năng lượng”; Hơn thế, nó là “công trình tiết kiệm năng lượng và tài nguyên” (tài nguyên gồm: nước, vật liệu xây dựng…); Đồng thời giảm thải ra môi trường; Và hơn thế nữa, là công trình còn tạo ra một môi trường tốt cho người sử dụng.

Nền tảng của khái niệm Kiến trúc xanh là đặt con người trong mối quan hệ với môi trường bên ngoài và môi trường bên trong công trình. Con người vừa là chủ thể tạo ra công trình, cũng là người thụ hưởng công trình.

Kinh nghiệm thúc đẩy phát triển Kiến trúc xanh từ các nước trên thế giới

Cho tới nay, Kiến trúc xanh đã trở thành một xu hướng của thời đại. Ở mức độ cao hơn nữa, một số nước đã đưa ra những mô hình công trình “superlow energy building hay “zero energy building” là công trình ít tiêu hao hoặc không tiêu hao năng lượng nhờ khả năng tự tạo ra năng lượng phục vụ chính nó, thậm chí còn cung ứng thêm vào mạng lưới; hay mô hình ‘carbon-neutral building’ là những công trình từ vật liệu xây dựng đến khi đưa vào sử dụng đều không phát ra khí CO2. Như vậy, từ khái niệm Kiến trúc xanh ban đầu, thế giới liên tục nâng cao chuẩn xanh, phát triển các mô hình thiết kế và xây dựng mới ngày càng hiệu quả về tài nguyên và môi trường.

Build Shop | Phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam

Parkroyal, Singapore (nguồn: Ashui.com)

Việc đo lường các mức độ xanh một cách chính xác cụ thể đặt ra yêu cầu về tiêu chí và công cụ đánh giá. Do đó, đồng hành với phong trào xanh hoá xây dựng ở các nước là sự ra đời các bộ công cụ đánh giá - chứng nhận Kiến trúc xanh, bao gồm các bộ tiêu chí, cách thức đo lường đánh giá và quy trình đánh giá chứng nhận. Hiện đã có trên 100 quốc gia thành lập Hội đồng Kiến trúc xanh, xây dựng hoặc áp dụng hệ thống tiêu chí Kiến trúc xanh của mình, thực hiện các chính sách, các biện pháp đẩy mạnh phát triển Kiến trúc xanh và đã có hàng trăm nghìn công trình xây dựng đã được đánh giá và chứng nhận.

Về chính sách phát triển Kiến trúc xanh của các quốc gia cũng khá đa dạng. Ở các nước phát triển, giới nghề nghiệp - hiệp hội là những người khởi xướng và phát triển các công cụ kỹ thuật, trong khi Nhà nước chỉ đóng vai trò xây dựng các chủ trương chính sách thúc đẩy cơ bản (như Mỹ, Úc, châu Âu).

Ở châu Á, Chính phủ thường đóng vai trò quan trọng hơn: vừa khởi xướng phong trào, vừa ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến tiết kiệm năng lượng, vừa xây dựng và ban bộ công cụ Kiến trúc xanh, cùng các cơ chế bắt buộc, thưởng, phạt rất quyết liệt như trường hợp Đài Loan, Trung Quốc, Singapore.

Các quốc gia có trình độ Kiến trúc xanh phát triển thì đều có sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của tất cả các chủ thể trên thị trường bao gồm: Các cơ quan Nhà nước ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, chính sách; Các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp; Các doanh nghiệp đầu tư và sự đòi hỏi trách nhiệm môi trường của toàn xã hội.

Kết luận P1: 

Dựa theo kinh nghiệm của các nước đi trước kiến trúc xanh cũng đã chứng tỏ mang lại hiệu quả nhiều mặt: Hiệu quả môi trường, lợi ích xã hội thông qua và các lợi ích kinh tế rõ rệt. Vì vậy Việt Nam áp dụng vào công trình sẽ như thế nào thì các bạn hãy cùng tiếp tục theo dõi phần 2 nhé !

Nguồn : Ashui.com 

Bình luận

0 Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Thông tin bình luận

Tin liên quan

Các thương hiệu hàng đầu