Như phần 1 đề cập đến khái niệm kiến trúc xanh ( công trình xanh ) và một số kinh nghiệm của các nước đi trước. Hôm nay, tôi sẽ gửi đến phần tiếp theo của Phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam.
Làm thế nào để thị trường Kiến trúc xanh tại Việt Nam cất cánh?
Xu hướng thiết kế và xây dựng xanh ở Việt Nam cũng đã xuất hiện và ngày càng phát triển ở nước ta. Các kiến trúc sư hiện nay đã có nhiều sáng tạo trong thiết kế các ngôi nhà ngày càng “xanh” hơn: thông thoáng hơn, nhiều cây xanh hơn, cách nhiệt tốt hơn. Đây chính là nhóm giải pháp thiết kế thụ động (không dùng thiết bị, công nghệ, mà bằng các giải pháp thiết kế thi công để cải tạo vi khí hậu). Hầu hết những ngôi nhà truyền thống ở Việt Nam có dạng thiết kế thụ động, ứng phó với vấn đề khí hậu rất thông minh.
Công trình gần đây có rất nhiều giải pháp vi khí hậu của các kiến trúc sư nhưng vẫn chưa mang tính chất bao quát bởi vẫn còn dừng lại là những giải pháp cụ thể cho từng công trình nhỏ. Nhưng có những tranh luận rằng “công trình nhiều cây xanh có phải là Kiến trúc xanh hay không? Tất nhiên, như đã nói ở trên, một Kiến trúc xanh muốn được dán nhãn, chứng nhận thì cần phải được đánh giá và cấp chứng chỉ thông qua bộ công cụ kỹ thuật như nói ở trên.
Tính đến tháng 4/2020, Việt Nam có gần 150 công trình được công nhận Kiến trúc xanh theo các chuẩn kỹ thuật khác nhau: LEED, EDGE, LOTUS, Green Mark. Trong các bộ tiêu chí Kiến trúc xanh đã được áp dụng ở Việt Nam, có bộ LOTUS là một bộ chứng chỉ được xây dựng cho điều kiện Việt Nam, do Hội đồng Kiến trúc xanh Việt Nam phát triển Việt Nam; còn lại là các bộ công cụ quốc tế hoặc của các nước khác.
Hiện nay, thực hiện các Kiến trúc xanh ở Việt Nam đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư, không có hướng dẫn, quy định hay khuyến khích bằng thưởng phạt gì từ Nhà nước. Nhiều công trình chứng nhận LEED tại Việt Nam, phần lớn là các nhà máy của các doanh nghiệp Mỹ hoặc các tập đoàn đa quốc gia là các Kiến trúc xanh vì họ xem trách nhiệm môi trường là một loại đạo đức xã hội.
Gần 150 công trình xanh được công nhận trong 10 năm qua là một tín hiệu đáng khích lệ. Con số này cho thấy thị trường Kiến trúc xanh đã hình thành tại Việt Nam và có xu hướng tăng trưởng nhưng tốc độ rất vừa phải, chưa xứng với tiềm năng của ngành Xây dựng cũng như còn thua xa các nước trong khu vực.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam - Kiến trúc xanh LOTUS Bạc (Nguồn: Ashui.com)
[Kết luận] Triển vọng phát triển Kiến trúc xanh ở Việt Nam
Theo kết quả của Nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Bộ Xây dựng “Nghiên cứu hướng dẫn phát triển Kiến trúc xanh ở Việt Nam” do Viện Kinh tế quốc gia thực hiện 2018 - 2019, mặc dù thị trường Kiến trúc xanh Việt Nam đã hình thành, các chủ thể chính của thị trường như các nhà đầu tư tâm huyết, lực lượng tư vấn xanh, các tổ chức đánh giá chứng nhận Kiến trúc xanh đã xuất hiện nhưng Nhà nước chưa thể hiện được vai trò của mình thông qua những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể để thúc đẩy sự phát triển Kiến trúc xanh ở Việt Nam. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường Kiến trúc xanh Việt Nam tăng trưởng chậm chạp.
Trong khung chính sách Kiến trúc xanh của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ở tất cả các nhóm chính sách. Tuy nhiên, Việt Nam nên tập trung vào hai chính sách đòn bẩy. Đó là lựa chọn bộ chứng chỉ Kiến trúc xanh chính thức và đề xuất lộ trình áp dụng cho các công trình vốn ngân sách.
Nhiệm vụ khoa học công nghệ trên, sau khi đánh giá, so sánh về các mặt thì đề xuất chọn bộ công cụ LOTUS do Hội đồng Kiến trúc xanh Việt Nam phát triển làm bộ công cụ cơ bản, dùng để áp dụng cho các công trình đầu tư sử dụng vốn công và là cơ sở để tính toán ban hành các ưu đãi chi tiết. Theo đó, Nhiệm vụ cũng đề xuất với các đầu tư mới và sửa chữa lớn sử dụng vốn công, cần bắt buộc áp dụng Kiến trúc xanh theo chuẩn LOTUS theo lộ trình. LOTUS có 4 mức độ: đạt, bạc, vàng, bạch kim.
Hiện nay, với tình hình thực tiễn của Việt Nam chỉ cần yêu cầu các công trình công làm LOTUS ở mức đạt. Mức này không quá khó, chi phí phát sinh chỉ chiếm 1% tổng mức đầu tư. Với khu vực đầu tư vốn tư nhân, tất cả các bộ công cụ khác vẫn có thể được áp dụng, được khuyến khích và tạo điều kiện.
PGS.TS.KTS. Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia
- Nguồn : Ashui.com
- Xem thêm bài viết khác tại : https://buildshop.vn/tin-tuc/blog
Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!